Chuyển tới nội dung
Các bước đi du học Đức

Các bước đi du học Đức

Hãy cùng NDF tìm hiểu xem những nhóm đối tượng nào đủ điều kiện để du học Đức, bên cạnh đó thì du học sinh Đức tương lai cần phải chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ và hoàn thành những thủ tục gì cho chuyến du học của mình nhé!

Đức là quốc gia có chất lượng nền giáo dục hàng đầu thế giới cùng với rất nhiều trường đại học và nhiều ngành nghề đa dạng phong phú. Hiện nay, Đức đang là điểm đến lý tưởng thu hút sự chú ý của rất nhiều sinh viên đến từ khắp các quốc gia trên thế giới. Đức được xếp hạng thứ ba trong số các nước được nhiều sinh viên quốc tế lựa chọn là điểm đến trong tương lai chỉ xếp sau Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, rất nhiều trường đại học ở Đức được xếp vào danh sách 400 trường đại học có chất lượng tốt nhất thế giới như: đại học tổng hợp kỹ thuật Munich, Freie Uni Berlin, Uni Frankfurt am Main... Chính vì vậy, không chỉ sinh viên trong khối Liên minh Châu Âu mà ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam cũng lựa chọn Đức là điểm đến du học cho tương lai. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn còn đang rất hoang mang trong vấn đề chuẩn bị hồ sơ và những thủ tục cho chuyến du học Đức của mình. 

Bước 1: Xác định xem mình thuộc nhóm đối tượng nào:

Trước tiên, bạn cần phải xác định xem mình có thuộc những nhóm đối tượng đủ điều kiện thỏa mãn những yêu cầu Đại Sứ Quán Đức đưa ra dành cho du học sinh hay không. Những đối tượng đủ điều kiện đi du học Đức cơ bản được chia ra thành những nhóm như sau:

Thuộc nhóm đối tượng chưa tốt nghiệp đại học:

Theo điều kiện hiện nay của Đại Sứ Quán Đức, học sinh tham gia kỳ thi THPT cần phải thỏa mãn điều kiện: tổng điểm các môn thi phải đạt ít nhất 36 điểm (không làm tròn, không nhân đôi), không có môn nào dưới 4 và ít nhất có 4 môn thi không dưới 6 điểm, thêm vào đó phải được nhận một giấy gọi vào một trường đại học chính quy của Việt Nam. Bên cạnh đó, những sinh viên đã tốt nghiệp tại một trường cao đẳng tại Việt Nam và những sinh viên chưa tốt nghiệp đại học ở Việt Nam cũng được xếp trong nhóm này. Những du học sinh thuộc nhóm này sẽ tiếp tục học chương trình dự bị đại học khi qua Đức trong vòng khoảng một năm rồi mới được chính thức học đại học tại Đức.

Thuộc nhóm đối tượng đã tốt nghiệp đại học:

Những đối tượng thuộc vào nhóm này là những sinh viên đã tốt nghiệp một trường đại học chính quy tại Việt Nam, có nhu cầu sang Đức học tiếp chương trình thạc sĩ hoặc là học thêm văn bằng thứ hai. Nhóm đối tượng này khi qua Đức sẽ không được phép học chương trình dự bị đại học mà phải ôn và thi theo chương trình DSH. Sau khi thi đỗ để lấy chứng chỉ DSH, du học sinh thuộc nhóm đối tượng này mới tiếp tục được học chương trình thạc sĩ hoặc cử nhân với văn bằng hai tại một trường đại học.

Bước 2:Học Tiếng Đức

Tiếng Đức ở trình độ B1/B2 là điều kiện cần và đủ để sinh viên có thể theo học chương trình dự bị tại nước Đức. Du học sinh nên xác định sớm và đi học tiếng Đức trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện nay, điều kiện để xin Visa du học Đức là bạn bắt buộc phải có bằng tiếng Đức ở trình độ B1. Thêm đó, bạn cần có trình độ tiếng Đức B2 mới có thể theo học được chương trình dự bị đại học trong thời gian đầu mới qua Đức. Từ thời gian đặt lịch nộp hồ sơ đến lúc được xét duyệt Visa đi du học, bạn có thể phải chờ ít nhất là 2 tháng. Vậy nên trong thời gian này, bạn nên đăng ký học thêm tiếng Đức. Đừng để tới khi chính thức đặt chân lên nước Đức, bạn mới nhận ra đáng lẽ mình nên tranh thủ học thêm tiếng Đức từ Việt Nam. Việc học để nâng cao trình độ tiếng Đức này vừa để giúp bạn không bị quên tiếng Đức trong thời gian hoàn thành giấy tờ, vừa để bổ sung nâng cao trình độ kiến thức của bạn. 

Bạn sẽ phải thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ. Các loại chứng chỉ được quốc tế chấp nhận đó là Bằng tiếng Đức B1 của viện Goethe (ZD) hoặc đại học Hà Nội (ÖSD) cấp hoặc bằng TestDAF do viện Hàn lâm Đức cấp.

Bước 3: Dịch thuật và công chứng các loại giấy tờ

Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình chuẩn bị du học Đức mà bạn cần thực hiện sớm. Sau khi đã chuẩn bị đủ những loại giấy tờ như: bằng tốt nghiệp THPT, giấy gọi vào đại học, bảng điểm đại học, bằng tốt nghiệp đại học,....bạn nên sớm đem đi dịch sang tiếng Đức hoặc tiếng Anh rồi đem đi công chứng, Thực hiện sớm bước này sẽ giúp các bạn nhanh chóng hoàn thành các bước tiếp theo như nộp thẩm tra hoặc thi APS, thi TestAS.. Bên cạnh đó, những loại giấy tờ như giấy nhập học tại một trường đại học chỉ có thời hạn trong vòng một năm, tức là hết một năm thì giấy gọi nhập học một trường đại học sẽ không còn hiệu lực. Bạn nên nhanh chóng trong thời gian sớm nhất có thể dịch thuật và công chứng các loại giấy tờ để làm hồ sơ thẩm tra APS. Giấy thẩm tra APS này sẽ thay thế cho tất cả các loại bằng của bạn và không có thời hạn.

Bước 4: Thẩm tra/thi APS

► Thủ tục APS thông thường cho sinh viên học đại học

Thẩm tra hoặc là thi APS thủ tục bắt buộc đối với những bạn sinh viên muốn học đại học ở Đức. Qua APS, các loại giấy tờ của bạn sẽ được kiểm tra tính xác thực và bạn sẽ được xem xét liệu có đáp ứng được yêu cầu, điều kiện để học tập tại nước Đức hay không. Đối với thủ tục APS, du học sinh tiếp tục được chia thành hai nhóm đối tượng:

Đối với đối tượng chưa tốt nghiệp đại học: 

Với đối tượng này không yêu cầu phải thực hiện phỏng vấn APS, bạn chỉ cần nộp các loại hồ sơ, giấy tờ được yêu cầu trên trang Web của Đại Sứ Quán Đức cùng với 150$ bằng cách gửi đến Đại Sứ Quán Đức qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại quầy lễ tân Đại Sứ Quán. Những giấy tờ như bằng tốt nghiệp THPT, bảng điểm 4 kỳ đại học của bạn đổ lại, giấy gọi nhập học vào một trường đại học... sẽ được thẩm tra để xác minh tính xác thực. Bạn chỉ cần chờ khoảng 4 tuần để nhận lại 10 tờ chứng nhận APS, tờ chứng nhận này sẽ thay thế cho tất cả những loại giấy tờ cần thiết mà bạn đã nộp để thẩm tra. Khi sang Đức và khi làm thủ tục nộp hồ sơ xin vào các trường, bạn chỉ cần gửi tờ chứng nhận APS kèm thêm một số giấy tờ trường yêu cầu là đủ. Bạn có thể yên tâm vì tờ chứng nhận APS là vô thời hạn.

Đối với đối tượng đã tốt nghiệp đại học:

Các bạn sinh viên đã tốt nghiệp một trường đại học chính quy tại Việt Nam, muốn sang Đức học tiếp văn bằng hai hoặc học tiếp lên thạc sĩ, sau khi thẩm tra hồ sơ sẽ phải tham dự một cuộc phỏng vấn. Thông thường, phỏng vấn APS dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học được tổ chức vào tháng 5 và tháng 11 hàng năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi lần thi bạn phải chuẩn bị trước 250$ lệ phí thi, và lệ phí thi này sẽ không được hoàn trả lại trong bất cứ trường hợp nào. Du học sinh phải nộp hồ sơ xin phỏng vấn APS trước khoảng 3 tháng. Cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng 15 phút, bạn có thể chọn để hoàn thành phần phỏng vấn của mình bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Trong suốt buổi phỏng vấn, bạn được đặt ra các câu hỏi xung quanh bản thân, mục đích du học và cả những kiến thức chuyên ngành mà bạn đã học trong trường đại học. Đặc biệt có một thông tin các bạn nên lưu ý, mỗi bạn sinh viên chỉ được phép thi 3 lần APS, hết 3 lần mà vẫn không đỗ, bạn sẽ không còn cơ hội được sang Đức theo con đường du học này nữa.

Bước 5: Thi TestAS

Đây là bước bắt buộc đối với những bạn sinh viên chưa tốt nghiệp đại học ở Việt Nam để xin Visa và hoàn thành giấy tờ xin học tại đa số các trường đại học bên Đức.

TestAS được tổ chức chia thành 3 đợt trong một năm, bạn cần phải chú ý và đăng ký thi TestAS sớm để hoàn thiện hồ sơ xin Visa du học Đức một cách sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, số lần được phép thi TestAS của bạn không có giới hạn. Nội dung của TestAS cơ bản được chia thành những phần như sau: phần kiểm tra khả năng ngoại ngữ trên máy tính, phần thi viết kiểm tra trình độ IQ, phần thi viết kiểm tra trình độ chuyên ngành như: khoa học tự nhiên, kinh tế, toán, tin...Kết quả của TestAS sẽ được chấm tự động và chia phần trăm theo từng phần thi, trình độ ngôn ngữ của bạn sẽ được đánh giá theo trình độ từ A1 đến B1 theo giá trị tiêu chuẩn. Giấy chứng nhận TestAS sẽ không ghi bạn trượt hay đỗ, các trường sẽ nhìn vào kết quả mà bạn thi được để đánh giá năng lực học tập của bạn.

Bước 6: Tìm trường và nộp hồ sơ

Sau khi hoàn thành những bước đã đề cập ở trên, bạn có thể bắt tay vào giai đoạn tìm hiểu các trường dự bị và tiến hành nộp để xin tham gia vào kỳ thi đầu vào của các trường dự bị với những bạn chưa tốt nghiệp đại học, và tham gia thi DSH đối với những bạn đã tốt nghiệp một trường đại học tại Việt Nam. Thông thường, trường nào cũng tổ chức 2 đợt thi đầu vào trong một năm, và kỳ thi của các trường cùng trong một bang sẽ được tổ chức cùng một ngày, còn với các trường khác bang sẽ có ngày tổ chức thi lệch nhau.

Tiếp theo, bạn cần phải tìm hiểu xem trường dự bị mình định tham gia kỳ thi đầu vào có qua Uni-assist hay không. Đa số các trường buộc bạn phải nộp hồ sơ qua Uni-assist thì sẽ có hạn nộp đến 15.1 hoặc đến 15.7 hàng năm, nhưng mình có một lưu ý nhỏ cho các bạn nếu các bạn bắt buộc phải nộp hồ sơ qua Uni-assist thì bạn hãy cố gắng nộp trước khoảng thời gian 2 tháng, bởi vì Uni-assist chỉ đóng vai trò trung gian, nếu bạn thiếu bất kỳ loại giấy tờ nào mà trong thời gian ngắn bạn không kịp bổ sung, hồ sơ của bạn sẽ bị loại thẳng mà không được xem xét lại. 

Với các trường không qua Uni-assist, bạn có thể xem hạn nộp và những giấy tờ cần thiết phải chuẩn bị để hoàn thành việc xin tham gia thi ở trên trang Web của trường. Mỗi trường dự bị đều có trang Web riêng, bạn có thể lên đó để tìm hiểu thêm. Ví dụ như trường dự bị ở Kiel sẽ có 2 đợt thi đầu vào dự bị và tháng 6 và tháng 11, trường dự bị Coburg sẽ có 2 đợt thi dự bị vào tháng 1 và tháng 7... bạn nên tính toán xin nhiều trường một lúc để bạn có thể tham gia thi liền luôn nếu bạn bị trượt, tránh xảy ra việc để mất quá nhiều thời gian chờ đợi tham gia kỳ thi đầu vào dự bị đại học tiếp theo. 

Bước 7: Mở tài khoản du học

Mở tài khoản chứng minh tài chính - tài khoản phong tỏa tại VietinBank 

Sau khi xin được giấy nhập học hoặc giấy chứng nhận tham gia kỳ thi đầu vào của một trường dự bị, bạn nên tiến hành làm thủ tục quan trọng tiếp theo, đó là mở một tài khoản ngân hàng phong tỏa để chứng minh tài chính xin Visa đi du học Đức. Theo quy định mới của Đại Sứ Quán Đức về việc du học Đức, bạn cần có đủ 8820Euro trong tài khoản mà bạn mở để chứng minh tài chính xin Visa.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có ngân hàng Deutsche Bank và ngân hàng Vietinbank là 2 ngân hàng cho phép bạn mở tài khoản phong tỏa ngay từ Việt nam, vì Deutsche Bank là một trong những ngân hàng lớn nhất của Đức có liên kết với Việt Nam và Vietinbank là ngân hàng duy nhất của Việt Nam có liên kết và có trụ sở tại Đức. 8820 Euro không phải là một số tiền nhỏ, thế nhưng khi được đặt lên bàn cân so sánh với một số điểm đến cũng thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế như Mỹ với Anh thì con số mà du học sinh phải chứng minh tài chính hoàn toàn không phải là một con số lớn. Hơn nữa, với 8820 Euro này, ngay khi sang đến Đức bạn được phép rút ra để chi trả cho sinh hoạt phí, tiền mua đồ dùng, bảo hiểm sức khỏe cá nhân...Nhưng tất nhiên, vì tài khoản của bạn là tài khoản phong tỏa nên bạn chỉ được phép rút tối đa 753 Euro một tháng.

Vậy là bạn đã hoàn thành xong đầy đủ những hồ sơ và giấy tờ để chuẩn bị cho chuyến du học Đức đầy mơ ước của mình. Việc còn lại là bạn phải liên hệ đặt lịch hẹn phỏng vấn làm Visa tại Đại Sứ Quán Đức, vào những khoảng thời gian cao điểm, bạn có thể phải chờ khá lâu tính từ lúc hoàn thiện đầy đủ hồ sơ giấy tờ đến lúc nhận được Visa để đi qua Đức. 

Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những quy trình, thủ tục chuẩn bị cho chuyến du học Đức. Nếu có du học sinh Đức tương lai nào vẫn còn thắc mắc và lo lắng, hãy liên hệ ngay với NDF để nhận được sự giúp đỡ bạn nhé!

____________________________________________________________________________

TRUNG TÂM TIẾNG ĐỨC NDF
Trụ sở chính: P705,CT2A, Tòa nhà Housinco, Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội
Cơ sở 2: Tầng 6, tòa nhà 285 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 02462531338 – Hotline: 0947 090 888
Website: www.ndf.vn
FB: https://www.facebook.com/tiengduc/

Đánh giá bài viết
16 bầu chọn / trung bình: 5
3412
Lượt xem

Bài viết khác

Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.

Đăng ký ngay
dang ky ngay