Chuyển tới nội dung

Những điều cần được trang bị trước khi đi du học và khi mới đặt chân lên nước Đức

Những điều cần được trang bị trước khi đi du học và khi mới đặt chân lên nước Đức

Những điều cần được trang bị trước khi đi du học và khi mới đặt chân lên nước Đức

Bài viết dưới đây là những chia sẻ của cá nhân mình khi chuẩn bị sang Đức du học và trong những ngày đầu tại nước Đức. Hy vọng với bài viết này, bạn có thể hiểu rõ hơn về những chuyến bay quá cảnh, nên sống tại thành phố nào và du học sinh nên tự đi chợ và nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Trung tâm tiếng Đức tổng hợp & chia sẻ những điều chú ý giúp các bạn du học sinh mới có hành trang cơ bản chuẩn bị cho quá trình học tập tại Đức.

Tìm hiểu đôi điều cần thiết về thành phố mà mình sẽ sinh sống và học tập

Thủ đô Berlin, thành phố cảng Hamburg, thành phố Leipzig…là những thành phố lớn được xếp hạng là một trong những thành phố đáng sống nhất nước Đức. Thế nhưng, điểm đến mà bạn chọn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như ngành học mà bạn định học, nhu cầu sinh sống, nhu cầu giải trí... 

Nếu lựa chọn sinh sống tại các thành phố lớn, bạn sẽ có nhiều lợi thế về vấn đề tìm việc làm thêm, bên cạnh đó có nhiều lễ hội, tụ điểm ăn chơi giải trí được tổ chức ở các thành phố lớn. Nhưng khi sống tại thành phố này, bạn cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, ví dụ như vấn đề việc tìm nhà ở khó khăn hơn, chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với các thành phố bé hay ở làng. Bạn cần cân nhắc thật kỹ lưỡng để quyết định xem thành phố nào là điểm đến mình nên chọn sinh sống và học tập lâu dài.

Thời gian đầu khi mới sang Đức, Frankfurt am Main là điểm đến đầu tiên mình lựa chọn dừng chân để học tiếng Đức chuẩn bị cho kì thi đầu vào chương trình dự bị đại học. Theo suy nghĩ tính toán lúc đầu, sống tại Frankfurt-một trong những thành phố lớn nhất nước Đức sẽ vui hơn so với những thành phố bé khác và mang lại cho mình nhiều cơ hội tìm việc làm thêm hơn khi sống ổn định ở đây. Nhưng cho đến khi thực sự bước chân sang nước Đức, có một điều mà mình nhận ra là nhịp sống ở thành phố lớn như thành phố Frankfurt quá nhanh và mình không thể theo kịp, đặc biệt là mình đã gặp phải khó khăn về vấn đề tìm nhà ở, mình đã vất vả để kiếm được một phòng ở tạm ổn với mức giá thuê hợp lý. Đầu tiên, trong thời gian đi tìm một phòng ở tại Frankfurt, mình đã xin ở nhờ nhà người thân, và sau đó khoảng 2 tháng, nhờ có sự giúp đỡ của một vài anh chị du học sinh, mình đã may mắn tìm được một phòng ở với mức giá 280 Euro/tháng bao gồm tất cả các loại tiền phụ phí trong một căn hộ ba người, mức giá này so với mặt bằng giá thuê nhà ở thành phố Frankfurt được coi là một mức giá thấp. Trong khi trung bình tại thành phố Frankfurt, một người sẽ phải trả 350 Euro/tháng để có được một phòng ở.

Đây là sơ lược tổng chi phí của cá nhân mình chi trả mỗi tháng trong thời gian học tiếng ở Frankfurt, có thể tính ra như sau:

Tiền nhà: 280 Euro

Tiền bảo hiểm: 43 Euro (vì học tiếng nên mình dùng bảo hiểm tư nhân)

Tiền ăn uống sinh hoạt: 250 Euro

Tiền học tiếng Đức: 180 Euro

= 753 Euro

Đây là mức tiền trung bình một sinh viên phải chi trả khi sinh sống ở thành phố Frankfurt, mức chi phí này rõ ràng cao hơn so với số tiền mà các bạn sinh viên sống ở thành phố khác phải trả, có thể nói rằng thành phố Frankfurt là một trong những thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất nước Đức.

Một lời khuyên nho nhỏ dành cho các bạn, đó là hãy suy nghĩ, xem xét và tính toán thật kĩ kế hoạch sẽ đi đến thành phố nào để học tập và sinh sống ổn định. Và dĩ nhiên, những chia sẻ này hoàn toàn mang tính chất cá nhân của bản thân mình, bởi vì mỗi người sẽ có suy nghĩ và mục đích học tập khác nhau, từ đó đưa ra những lựa chọn khác nhau. Hi vọng rằng bạn sẽ có những lựa chọn đúng đắn, đánh giá một cách cẩn thận và tìm được thành phố học tập lý tưởng như ước muốn của bạn nhé.

Đường sân bay, quá cảnh và các thủ tục ở sân bay

Đối với nhiều bạn du học sinh, đi du học cũng chính là lần đầu tiên bạn được ra nước ngoài nên bạn sẽ không tránh khỏi hoang mang và lo lắng sẽ gặp trục trặc khi làm các thủ tục tại sân bay. Chính vì vậy, bài viết đề cập đến một số vấn đề mà bạn cần lưu ý trước khi lên máy bay sang Đức.

Trước tiên là chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ quan trọng mà bạn phải có trong tay trước khi lên máy bay:

  • Vé máy bay.
  • Hộ chiếu có in sẵn Visa.

Bên cạnh đó, hành lý mà bạn muốn mang theo được chia thành:

Hành lý xách tay

Bạn nên chú ý xếp hành lý xách tay theo đúng quy định về kích cỡ, cân nặng (thường là chỉ giới hạn trong 7Kg). Quy định này phụ thuộc vào từng hãng hàng không khác nhau. Nếu bạn mang quá số cân, nhân viên check in sẽ có thể yêu cầu bạn bỏ bớt đồ ra ngoài để đủ số cân bạn được phép mang theo. Nếu đi chung với bạn bè hoặc gia đình, bạn có thể để nhờ vào hành lý của người đó nếu hành lý của họ vẫn còn dư cân. Nếu bạn ra sân bay một mình, tốt nhất bạn nên xếp đủ số cân để không gặp rắc rối với việc hành lý bị thừa cân.

Hành lý ký gửi

Với mỗi hãng hàng không mà bạn đặt vé sẽ có quy định khác nhau về kiện đồ ký gửi (khoảng từ 23 đến 40 cân). Bạn phải cân nhắc xem đồ dùng nào cần thiết mà bạn phải mang theo cùng, với những đồ không cần thiết tốt nhất bạn nên để lại không đóng vào kiện hành lý ký gửi, tránh việc xếp quá nhiều đồ vào hành lý và dẫn đến vấn đề quá cân khi vào làm thủ tục check in. Bạn sẽ bị yêu cầu phải bỏ bớt đồ trong vali ra để phù hợp với quy định về số cân với hành lý ký gửi của hãng hàng không. Điều này thật sự bất tiện, bởi vì trước khi đi ra sân bay bạn đã xếp, dán và bọc vali cẩn thận để tránh va đập, hỏng hóc khi nhận hành lý ở sân bay bên Đức. Vậy nên, nếu bị yêu cầu phải dỡ vali bỏ bớt đồ thì sẽ gây ra phiền phức lớn cho bạn phải không nào.

Khi nhập cảnh tại sân bay

Đây là vấn đề mà nhiều bạn du học sinh thấy hoang mang nhất với lần đầu tiên ra nước ngoài. Khi xuất cảnh từ Việt Nam, bạn còn có gia đình hoặc bạn bè đưa ra sân bay và có thể giúp đỡ khi bạn gặp rắc rối, nhưng khi bước chân sang đến Đức, đặc biệt với những bạn chỉ có một mình thì phải làm thế nào?

Trước tiên, bạn sẽ phải trình Visa để nhân viên hải quan kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện để nhập cảnh hay không. Sau khi trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ, bạn được phép đi qua cổng hải quan và chờ lấy hành lý. Có một số điểm mà bạn cần chú ý như sau: không mang những đồ dễ cháy nổ, những loại hàng hạn chế như thiết bị điện tử, rượu và thuốc lá…cũng bị hạn chế không được mang quá nhiều vì bạn có thể bị đánh thuế rất cao (có thể lên đến 40% giá trị sản phẩm). Trong trường hợp hành lý của bạn bị nghi ngờ chứa những đồ cấm và loại đồ bị hạn chế mang theo, nhân viên ở sân bay có quyền gọi bạn lại và mở tung hành lý ra để kiểm tra. Bạn có thể sẽ bị phạt nặng dù có cố tình hay vô tình phạm vào những điều đã được quy định. Bạn cũng đâu muốn có một khởi đầu trên nước Đức không suôn sẻ như vậy phải không nào? Vậy thì hãy thật cẩn thận trong việc đóng và chuẩn bị đồ bạn nhé!

Tìm đường trong sân bay

mỗi sân bay đều được chia thành 2 khu riêng biệt: Khu đến (dành cho hành khách bay từ nơi khác tới) và khu đi (dành cho hành khách bay tới nơi khác). Và thông thường ở mỗi khu sẽ được chia tiếp ra khu dành riêng cho chuyến bay nội địa và khu dành cho chuyến bay quốc tế. Ở mỗi khu vực trong sân bay đều có biển chỉ dẫn rõ ràng để hành khách dễ dàng tìm được khu vực mà mình muốn đến. Nếu bạn muốn tìm được khu vực để bay chuyến tiếp theo nhanh nhất có thể vì thời gian bị hạn chế, bạn hãy tìm đến nhân viên trong sân bay và nhờ chỉ dẫn bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

 

Đa số với những bạn lần đầu tiên đi nước ngoài, và đặc biệt là với những bạn lần đầu tiên bay quá cảnh mà không đặt những chuyến bay của hãng máy bay có thể bay thẳng đến Đức đều thấy hoang mang vì sợ nhỡ mất chuyến bay. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, chỉ cần bạn tìm hiểu trước một chút là có thể dễ dàng đối phó với những thủ tục quá cảnh ở sân bay rồi. Sau đây là một số bước bạn cần lưu ý khi đi một chuyến bay quá cảnh:

  • Đi theo đúng hướng Transit được hướng dẫn trên bảng chỉ dẫn.
  • Tìm đúng cổng ra của máy bay trên bảng điện tử.
  • Xác định và tìm đúng Terminal mà mình xuống máy bay và Terminal mình sẽ bay tiếp để không bị muộn trong việc check in cho chuyến bay quá cảnh và bị lỡ mất chuyến bay tiếp theo

  • Thời gian chờ quá cảnh tùy thuộc và mỗi chuyến bay mà bạn đã đặt. Bạn phải lưu ý rằng, nếu thời gian quá cảnh của bạn nhiều và có khả năng bạn sẽ muốn đi thăm thú thành phố ở nơi quá cảnh, nhưng bạn nên biết thường thì sân bay sẽ cách trung tâm thành phố vài chục km, nên sẽ mất rất nhiều thời gian để bạn vào trong thành phố tham quan. Và bên cạnh đó, bạn chỉ được phép ra khỏi sân bay khi có trong tay Visa nhập cảnh tại thành phố mà bạn bay quá cảnh.
  • Với những chuyến bay có thời gian chờ quá cảnh từ 20 tiếng trở lên, bạn có quyền yêu cầu được nhận nhà nghỉ từ hãng máy bay mà bạn đặt. Nếu thời gian quá cảnh của bạn không dài, bạn có thể nghỉ ngơi, tranh thủ đi vệ sinh hoặc là dạo quanh sân bay, tham quan những cửa hàng bán đồ trong sân bay hay mua thêm đồ ở cửa hàng miễn thuế. Nhưng hãy để ý tính toán thời gian đừng để bị muộn giờ bay và dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn.

Đi chợ và nấu ăn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt

Chắc hẳn công việc tự đi chợ và nấu ăn tại nhà không phải là công việc quá xa lạ với các bạn du học sinh. Kể cả những bạn khi ở Việt Nam không thường xuyên đi chợ vào bếp nấu nướng, đến khi đi du học cũng phải tự chăm sóc bản thân. Nhất là khi bạn muốn giảm thiểu chi phí sinh hoạt đến mức thấp nhất có thể, bạn nên tự đi chợ và nấu ăn tại nhà.

Với một nhóm bạn sống và cùng nhau nấu nướng, ăn uống, cùng chia nhau tiền mua đồ ăn hàng ngày, nhờ vậy chi phí sinh hoạt hàng ngày lại càng giảm xuống mức tối thiểu. Và tốt hơn hết, nếu các bạn lên kế hoạch và phân công rõ ràng công việc nấu nướng, điều này có thể giúp bạn có thêm nhiều thời gian học tập và làm những công việc riêng khác.

Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên tính toán để đi chợ mua đồ ăn cho vài ngày liền để không tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc đi chợ và ăn uống. Bên cạnh đó, vì xa nhà nên thỉnh thoảng bạn sẽ nhớ những món ăn đậm chất quê hương, ở mỗi thành phố đều có một vài cửa hàng bán đồ ăn Châu Á như phở bún và các loại cơm đậm chất Việt Nam, thế nhưng bạn phải trả trung bình khoảng 10Euro cho một suất ăn nhỏ, trong khi với 10Euro này, nếu bạn tự đi chợ mua đồ và nấu nướng tại nhà thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều.

Khi sang Đức, bạn nên học hỏi kinh nghiệm khi đi chợ mua đồ của các anh chị và các cô chú đã ở bên đó lâu để biết thêm được đi đâu mua gì là rẻ nhất. Ví dụ như Kaufland và Real là hai chuỗi siêu thị lớn và những sản phẩm được bán trong đó cũng không quá đắt so với mặt bằng chung, vào các ngày thứ bảy, nhiều mặt hàng trong chuỗi siêu thị này được giảm giá mạnh, phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên. Bạn nên chú ý hạn chế mua đồ trong chuỗi siêu thị Edeka, vì đây cũng là chuỗi siêu thị được mệnh danh là “siêu thị cho nhà giàu”, và đồ trong siêu thị luôn luôn Edeka tươi ngon, thế nhưng cùng với đó thì giá cả các mặt hàng cũng rất cao, có những mặt hàng sản phẩm cùng loại với siêu thị khác nhưng lại có chênh lệch giá cả cao hơn hẳn.

Đi du học là xa gia đình đến một đất nước mới, phải tập làm quen và hòa nhập với một môi trường hoàn toàn mới lạ, bạn cần phải tự đi trên đôi chân của mình ngay từ những bước đi đầu tiên mà không thể dựa dẫm vào ai. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và chuẩn bị thật tốt trước khi lên đường du học Đức là việc cần thiết để mọi thứ được thuận lợi hơn ngay từ những bước đầu. Hi vọng bài viết trên sẽ trở thành một phần hành trang cho chuyến du học Đức mơ ước của các bạn du học sinh tương lai.

Khi đã đặt chân trên nước Đức - bạn cần hoàn thành các thủ tục đầu tiên cần làm khi mới sang Đức để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng mới và sẵn sàng học tập trên đất nước này.

Đánh giá bài viết
8 bầu chọn / trung bình: 5
1493
Lượt xem

Bài viết khác

Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.

Đăng ký ngay
dang ky ngay