Những khó khăn của du học sinh Đức
Những khó khăn của du học sinh Đức
Sau khi vượt qua những khó khăn với việc chuẩn bị và hoàn thành hồ sơ và thủ tục du học. Du học Đức-ước mơ của các bạn du học sinh đang dần trở thành hiện thực. Thế nhưng còn bao chướng ngại, khó khăn và vất vả mà bạn phải trải qua trên con đường không chỉ trải hoa hồng ấy.
Chi phí và tiền bạc khi đi du học
Khi bạn học tiếng Đức ở đâu thì các Trung tâm và giáo viên cũng phổ biến về chi phí trung bình cho mỗi du học sinh khi qua Đức học tập. Để chi trả các loại chi phí cho chuyến du học, mỗi du học sinh Đức cần phải chuẩn bị một số tiền không hề nhỏ, du học sinh tương lai sẽ phải chuẩn bị tiền để chi trả cho nhiều loại phí khác nhau như: tiền học tiếng Đức, tiền làm thủ tục, dịch và công chứng các loại hồ sơ giấy tờ, đặc biệt là khoản tiền chứng minh tài chính để xin Visa, hiện nay Đại Sứ Quán đã nâng số tiền mà du học sinh phải có trong tài khoản chứng minh tài chính du học Đức là 8820 Euro, số tiền này đã được thay đổi một vài lần và đang có xu hướng tăng dần. Tiếp theo nữa là trong vòng hai năm đầu kể từ khi bạn nhận được Visa sang Đức, trong thời gian bạn học dự bị hoặc chờ thi DSH, theo quy định bạn không được phép đi làm thêm. Vậy nên gia đình của du học sinh vẫn phải trợ cấp chi trả những chi phí sinh hoạt, tiền bảo hiểm cá nhân, tiền đồ dùng học tập, sách vở cho du học sinh ít nhất trong hai năm đầu tiên.
Từ năm thứ ba trở đi, sau khi học hết chương trình dự bị và theo học đại học tại Đức, bạn được phép đi làm thêm để chi trả cho sinh hoạt phí của mình. Vào thời điểm hiện tại, luật của Đức quy định sinh viên chỉ được làm tối đa 20 tiếng một tuần, đồng nghĩa với việc số tiền mà một sinh viên kiếm được trong một tháng là 450 Euro, số tiền này chỉ đủ để bạn chi trả một phần cho phí sinh hoạt và có thể bạn vẫn phải nhận sự trợ cấp của gia đình trong 4 năm học đại học.
Những kì thi cam go
Tính đến thời điểm hiện tại, Đức là quốc gia không thu học phí tại các trường đại học với cả sinh viên trong nước lẫn quốc tế, vậy nên để sang Đức du học, du học sinh phải làm nhiều bài thi như: TestAS, phỏng vấn APS, thi lấy bằng B1 tiếng Đức...Thế nhưng những khó khăn của du học sinh mới thật sự bắt đầu khi bước chân sang Đức. Một phần vì cách học của các bạn sinh viên Đức khá khác so với cách học của sinh viên Việt Nam. Thời gian đầu khi mới qua Đức, du học sinh Việt Nam còn chưa thích ứng kịp với cách học của các bạn sinh viên bên này nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và thi cử.
Hầu như các bạn sinh viên Đức đều học theo kiểu tự học là chính, có nghĩa là hầu hết tất cả các loại giáo trình để học trên lớp sẽ được đăng tải lên trang Web của trường và được chia theo từng khoa hoặc ngành, nhiệm vụ của bạn là tải tất cả giáo trình đó về và in ra, bạn cần mang theo giáo trình đó mỗi buổi lên lớp học. Và trong suốt thời gian của buổi học, giáo sư sẽ chỉ nói và giải thích bám sát vào phần nội dung trong giáo trình mà bạn đã có, phần còn lại bạn sẽ phải tự học hoàn toàn và tra cứu thêm tài liệu ở nhà. Bên cạnh đó, tại các trường đại học ở Đức sẽ không tồn tại khái niệm "điểm danh" trên lớp, chỉ có với một số môn mà giáo sư bắt buộc phải điểm danh số buổi rồi sinh viên mới được phép nhận giấy đi thi cuối kỳ. Điều đó có nghĩa là, kể cả khi bạn không tham gia những buổi học ở trường, bạn vẫn được phép đi thi vào cuối kỳ học, việc học tập phụ thuộc phần lớn vào ý thức của bạn.
Đặc biệt đối với du học sinh Việt Nam, theo đúng quy định chỉ có hai năm để hoàn thành hết chương trình dự bị đại học hoặc thi xong bài thi DSH. Hết thời gian hai năm, nếu bạn không nhận được giấy gọi của một trường đại học, khả năng bạn phải kết thúc việc học và quay về Việt Nam là rất cao. Khi vào đại học, bạn sẽ phải càng tập trung vào việc học, bởi vì trong trường đại học, mỗi môn thi bất kỳ bạn sẽ chỉ có cơ hội thi ba lần, đến lần thứ 3 thi trượt ở bất kể một môn nào, bạn sẽ phải nhận giấy thôi học của trường đại học. Trong trường hợp bị đuổi học, bạn sẽ phải chuyển ngành hoặc chuyển trường, cơ hội được tiếp tục học tập tại nước Đức của bạn lại càng ít đi.
Việc làm thêm
Vấn đề về việc làm thêm là vấn đề được rất nhiều sinh viên quan tâm và đặc biệt là du học sinh, vì sau hai năm đầu tiên, khi bạn đã hoàn thành hết chương trình dự bị đại học hoặc DSH, được phép đi làm cuối tuần hoặc một số buổi tối trong tuần, sinh viên tại Đức được phép đi làm 20 tiếng một tuần, có nghĩa là bạn có thể kiếm được 450 Euro mỗi tháng. Trong thời gian đầu du học, bạn nhận sự giúp đỡ về tiền bạc của gia đình để chi trả cho những chi phí học tập và sinh hoạt tại Đức. Thế nhưng khi đã ổn định về mặt học tập, bạn cũng nên tìm hiểu để kiếm việc làm thêm, từ đó có thể tự trang trải được phần nào chi phí sinh hoạt và sách vở, đồ dùng học tập, nhưng với số tiền bạn kiếm được từ việc làm thêm cũng không thể tự chi trả được tất cả các khoản chi phí. Hiện nay, số tiền mà một bạn sinh viên phải chi trả cho tất cả các khoản phí một tháng được tính ra trung bình rơi vào khoảng 735 Euro. Có nghĩa là, với công việc làm thêm, du học sinh sẽ không thể tự thanh toán tất cả các khoản phí mà vẫn tiếp tục cần sự trợ cấp của gia đình.
Bên cạnh đó, việc làm thêm cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho du học sinh chểnh mảng trong việc học tập. Nhiều du học sinh mải mê đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống dẫn đến không tập trung học và ôn thi. Tất nhiên, vấn đề về chi phí khi đi du học là vấn đề lớn với các bạn du học sinh, nhưng bạn cũng không nên để vấn đề đi làm thêm kiếm tiền trở thành chướng ngại lớn trên con đường du học của bạn, bạn sẽ không theo kịp chương trình học và phải học lại, mỗi kỳ học kéo dài khoảng 5 tháng. Cứ như thế, quá trình học của bạn lại càng bị kéo dài và bạn sẽ tốt nghiệp muộn hơn so với dự định, điều này lại càng làm cho bạn tốn kém thêm về mặt tiền bạc.
Những khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ khi đi du học
Nhìn chung để có thể du học Đức, có nhiều bước hồ sơ và thủ tục mà bạn cần chuẩn bị. Đặc biệt là với những du học sinh tự làm giấy tờ, không làm qua bất cứ một trung tâm nào. Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ và bạn có thể phải đi vài lần mới hoàn thành được hồ sơ xin Visa du học Đức một cách thuận lợi.
Từ lúc chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ để hoàn thành thủ tục xin Visa đến thời gian chờ đặt lịch nộp giấy tờ xin Visa cũng khá dài, thường là từ khoảng 4 đến 6 tuần, và thời gian để chờ Visa du học của bạn được xét duyệt cũng rơi vào khoảng 3 đến 4 tuần. Trong thời gian chờ này, bạn có thể tranh thủ đi học thêm tiếng Đức, mục đích vừa để bạn không quên quá nhiều tiếng Đức vì lâu không tiếp xúc với tiếng Đức, vừa có thể nâng cao trình độ tiếng Đức. Việc học năng cao trình độ thật sự cần thiết, vì khi sang Đức, để chuẩn bị cho chương trình học dự bị đại học hay DHS, bạn cần phải đạt được trình độ tiếng Đức B2.
Khó khăn trong sự khác biệt về ngôn ngữ, cách sống và phương pháp học tập của sinh viên Việt Nam và các bạn sinh viên nước ngoài
Sống và học tập tại một đất nước mới là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị, nhưng bên cạnh đó cũng có đôi lúc bạn cảm thấy vô cùng hoang mang vì những khác biệt về lối sống, rào cản ngôn ngữ, và sự cô đơn khi phải chia tay bạn bè và gia đình để chuẩn bị hòa nhập vào một thế giới mới. Vì vậy, ngay khi bắt đầu với môn ngoại ngữ mới là tiếng Đức thì bạn nên đọc ngay Bí kíp dành cho người bắt đầu học tiếng Đức để phần nào hiểu được phương pháp học tập tốt nhất khi sang Đức.
Khi bắt đầu hòa nhập vào môi trường và một thế giới mới khác so với nơi mà bạn đã sinh ra và lớn lên, dĩ nhiên “sốc văn hóa” là điều mà bạn không thể tránh khỏi. Sốc văn hóa nảy sinh khi bạn cố gắng hòa nhập và làm quen một môi trường mới, những cảm giác mà bạn có thể trải qua là rụt rè, không an tâm và lo lắng. Thêm vào đó, bạn sẽ cảm thấy áp lực khi kĩ năng ngoại ngữ của bạn không tốt và giao tiếp không trôi chảy. Mọi thứ như đồ ăn, cách sống, thời tiết và cách cư xử kì lạ của những người xung quanh làm bạn càng thêm hoang mang và tự thu mình lại không dám tiếp xúc với ai. Sốc văn hóa là vấn đề mà bất cứ du học sinh nào cũng sẽ trải qua trong thời gian đầu, vì phải sống và tập làm quen với những lối sống mới, những con người mới, và đặc biệt là khi chỉ có một mình mà không có gia đình bên cạnh.
Lúc mới đầu, bạn có thể nghĩ người Đức rất “lạnh”, thế nhưng khi bạn tiếp xúc một thời gian, khi bạn đã quen dần và trở nên cởi mở hơn, bạn sẽ nhận ra người Đức vô cùng nhiệt tình và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Đến lúc đó, bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng, bắt đầu hòa nhập dần vào cuộc sống mới, cảm giác tự ti với những người bản địa cũng biến mất. Bạn có thể bắt đầu hòa nhập và hưởng thụ cuộc sống du học sinh ở đất nước, môi trường mới.
Không có con đường nào bạn lựa chọn mà không gặp phải khó khăn, vất vả. Một khi đã lựa chọn và đặt ra mục tiêu, bạn cần thật sự quyết tâm để thực hiện mục tiêu đó một cách tốt nhất có thể. Bài viết trên đây không phải là chỉ ra những khó khăn mà du học sinh Đức sẽ gặp phải để khiến các bạn lo sợ và thêm hoang mang trước chuyến du học sắp tới của mình. Bài viết giúp các bạn xác định và chuẩn bị trước tinh thần đối mặt vượt qua tất cả những chướng ngại cản chân bạn trên con đường học tập. Không có con đường nào chỉ trải hoa hồng, bạn cần phải bước trên cành hồng, nếm trải những khó khăn, để sau này khi đã hoàn thành việc học, bạn sẽ nhận ra những công sức mà bạn đã bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.
Dự bị đại học tại Đức-những điều cần biết
29/05/2018Du học Đức - Universität Leipzig
24/09/2017Các chứng chỉ tiếng Đức
11/09/2017Những trường Đại học đầu ngành ở Đức
24/07/2017Du học Đức - RWTH AACHEN
23/07/2017Du học Đức - TU Dresden
13/07/2017Du học Đức - TU München
01/07/2017Những trường hợp không thể đi du học Đức
07/11/2016Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?
Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.
Đăng ký ngay