Tìm hiểu về giấy phép cư trú dành cho du học sinh tại Đức
Tìm hiểu về giấy phép cư trú dành cho du học sinh tại Đức
Nếu bạn đã được nhận vào một cơ sở giáo dục ở Đức, trong một khoảng thời gian nhất định, bạn bắt buộc phải xin giấy phép cư trú sinh viên để được tiếp tục du học Đức đúng quy định.
Giấy phép cư trú sinh viên cho phép bạn (với tư cách là công dân ngoài EU) sống ở Đức trong khi theo học tại một trường đại học ở Đức. Ngoài ra, bạn cũng phải có giấy phép cư trú khi tham gia chương trình trao đổi học tập, đăng ký các khóa học dự bị, khóa học ngôn ngữ hoặc đào tạo và thực tập tại Đức.
Giấy phép cư trú dành cho sinh viên quốc tế được cấp bởi Ausländerbehörde (Cơ quan quản lý người nước ngoài) và có giá trị từ 1 đến 2 năm. Giấy phép cư trú sinh viên có thể được gia hạn trong suốt thời gian của chương trình, miễn là việc học của bạn diễn ra bình thường.
Tất cả sinh viên không phải là công dân EU/EEA bắt buộc nộp đơn xin giấy phép cư trú sinh viên tại Ausländerbehörde nếu họ học ở Đức lâu hơn 90 ngày.
Bạn phải nộp đơn xin giấy phép cư trú sinh viên sau khi đến Đức. Điều này có nghĩa là bạn cũng cần phải xin thị thực du học từ đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Đức ở Việt Nam trước khi được phép đến Đức. Tuy nhiên, một số quốc tịch nhất định (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, v.v.) được miễn thị thực nhập cảnh.
Các loại giấy phép cư trú tại Đức dành cho mục đích học tập
- Giấy phép cư trú để theo học đại học: Nếu bạn đã được nhận vào một trường đại học ở Đức và bạn có thể bắt đầu lớp học ngay sau khi nhập cảnh vào nước này. Bạn sẽ được học đại học nếu bằng cấp và trình độ ngoại ngữ của bạn được ghi nhận.
- Giấy phép cư trú để theo học tại Studienkolleg (cao đẳng dự bị). Nếu bằng cấp trước đây của bạn không được công nhận ở Đức, bạn phải theo học đại học dự bị và vượt qua bài kiểm tra có tên Feststellungsprüfung. Sau đó, bạn có thể đăng ký vào trường đại học mà bạn mong muốn.
- Giấy phép cư trú để tham dự một khóa học ngôn ngữ: Loại giấy phép cư trú này có thể được cấp tối đa một năm và cho phép bạn hoàn thành khóa học tiếng Đức chuyên sâu nếu cần thiết cho việc học của bạn.
Các trường đại học, học thạc sĩ ở Đức thường yêu cầu trình độ tiếng Đức tiêu chuẩn là ở mức B2 và B1 với đại học dự bị. Nếu bạn vẫn đang học tiếng Đức cơ bản thì nên cân nhắc việc du học Đức mà nên tích cực tham gia các khóa học hoặc tự ôn tập tại nhà trước khi sang Đức.
Giấy phép cư trú có giá trị trong bao lâu?
Giấy phép cư trú sinh viên thường có giá trị trong suốt thời gian chương trình học của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không hoàn thành chương trình của mình đúng thời hạn, hiệu lực của giấy phép có thể thay đổi và bạn sẽ cần gia hạn.
Bạn nên nộp đơn xin gia hạn vài tuần trước khi giấy phép hết hạn. Bạn cần bằng chứng từ trường đại học để chứng minh rằng việc học của bạn đang tiến triển bình thường so với thời gian học tiêu chuẩn.
Lợi ích của Giấy phép cư trú đối với sinh viên du học Đức
- Sống ở Đức hợp pháp: Giấy phép cư trú sinh viên cho phép bạn sống ở Đức trong suốt thời gian học. Nó thường được phát hành trong một năm với tối đa là hai năm. Tuy nhiên, giấy phép có thể được gia hạn.
- Làm thêm tại Đức: Theo luật pháp ở Đức, sinh viên quốc tế du học Đức có thể làm thêm trong quá trình học. Tuy nhiên, điều này chỉ trong một số giờ nhất định. Luật quy định sinh viên quốc tế có thể làm thêm trong 120 ngày toàn thời gian mỗi năm hoặc trong 240 ngày bán thời gian mỗi năm. Hợp đồng dài hạn bị cấm trong thời gian này.
- Ngoài ra, nếu bạn tốt nghiệp một trường đại học ở Đức, bạn có thể gia hạn giấy phép cư trú thêm 18 tháng (nếu bạn dự định tìm việc làm ở Đức). Nếu tìm được việc làm, bạn phải nộp đơn xin Giấy phép cư trú việc làm ở Đức và tiếp tục làm việc ở đó trong thời hạn giấy phép của bạn.
Làm cách nào để nộp đơn xin Giấy phép cư trú ở Đức?
Để xin giấy phép cư trú ở Đức, bạn nên làm theo các bước sau:
Bước 1: Đăng ký
Ngay sau khi tìm được chỗ ở tại Đức, bạn nên đăng ký với văn phòng đăng ký cư trú địa phương. Họ sẽ cung cấp cho bạn một xác nhận (Meldebestätigung) bằng văn bản chứng minh rằng bạn đã đăng ký. Bạn cần chắc chắn rằng mình không làm mất giấy xác nhận bởi đây là một trong những tài liệu cần có để đăng ký giấy phép cư trú.
Việc đăng ký này sẽ diễn ra trong vòng 1 hoặc 2 tuần kể từ thời điểm bạn chuyển đến Đức; nếu không bạn sẽ phải nộp tiền phạt hành chính. Bạn nên đặt lịch hẹn trong khoảng thời gian đó và thông thường bạn có thể đặt lịch hẹn trực tuyến thông qua văn phòng đăng ký cư trú.
Bạn sẽ cần những tài liệu sau khi đăng ký:
- Giấy xác nhận nhà ở có chữ ký của chủ nhà.
- Hộ chiếu, visa và căn cước công dân.
- Mẫu đăng ký (bạn có thể lấy từ văn phòng đăng ký cư trú)
- Thông thường, không cần phải trả phí khi đăng ký.
Bước 2: Xin giấy phép cư trú
Bạn nên nộp đơn xin giấy phép cư trú tại Văn phòng đăng ký người nước ngoài tại thành phố bạn đang theo học trong vòng 3 tháng. Bạn có thể lấy địa chỉ từ Văn phòng quốc tế hoặc tìm kiếm trực tuyến. Sau đó, hãy đảm bảo điền vào mẫu đơn đăng ký và đặt lịch hẹn. Bạn sẽ phải nộp trực tiếp các tài liệu sau tại văn phòng:
- Hộ chiếu và thị thực
- Xác nhận đăng ký
- Minh chứng về bảo hiểm y tế
- Giấy chứng nhận tuyển sinh từ trường đại học của bạn
- Chứng thực về nguồn tài chính
- Bằng chứng về việc trao học bổng (nếu có)
- Giấy chứng nhận sức khỏe
- Thỏa thuận thuê nhà
- Ảnh hộ chiếu
- Bằng chứng về trình độ tiếng Anh/ tiếng Đức
- Bản gốc giấy chứng nhận giáo dục trước đây
Phí đăng ký lần đầu là €50-60 đến €110 (khoảng 1,3 triệu đến 3 triệu VNĐ); phí gia hạn là €100 (khoảng 2,7 triệu VNĐ)
Thời gian xử lý: Thời gian xử lý giấy phép cư trú thường mất từ 2 đến 3 tuần.
Nếu bạn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép cư trú tại Đức, bạn nên liên hệ ngay tới các trung tâm tư vấn du học Đức uy tín hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam tại Đức, nếu bạn đang ở quốc gia này, để được tư vấn và hỗ trợ.
Giấy phép cư trú sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, bạn có hai lựa chọn nếu muốn ở lại Đức sau khi giấy phép cư trú sinh viên của bạn hết hạn:
- Nộp đơn xin giấy phép cư trú cho người tìm việc làm – nếu bạn không có lời mời làm việc.
- Nộp đơn xin giấy phép cư trú để làm việc – nếu bạn có lời mời làm việc.
1. Chuyển sang Giấy phép cư trú dành cho người tìm việc
Sau khi tốt nghiệp (trước khi giấy phép cư trú sinh viên của bạn hết hạn), bạn có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú với tư cách là người tìm việc . Giấy phép này cho phép bạn ở lại Đức thêm sáu tháng sau khi tốt nghiệp, trong thời gian đó bạn có thể tìm kiếm việc làm.
Nếu bạn tìm được một công việc phù hợp và đáp ứng tất cả các yêu cầu, bạn có thể chuyển nó thành giấy phép lao động và ở lại Đức vô thời hạn.
2. Chuyển sang giấy phép cư trú làm việc
Nếu bạn nhận được lời mời làm việc ngay sau khi tốt nghiệp, thì bạn chỉ cần chuyển giấy phép sinh viên của mình thành giấy phép làm việc. Giấy phép cư trú tại Đức để làm việc được cấp trong 2 năm, có khả năng gia hạn (miễn là bạn vẫn có việc làm).
Nếu bạn đáp ứng các yêu cầu do cơ quan quản lý nhập cư đặt ra, thì bạn cũng có thể xin giấy phép cư trú và làm việc tự do ở Đức .
Giấy phép định cư cho sinh viên quốc tế tại Đức
Khi tốt nghiệp một trường đại học ở Đức, bạn có đủ điều kiện để định cư chỉ sau 2 năm làm việc ở Đức. 8 năm sau đó, bạn cũng đủ điều kiện để trở thành công dân Đức.
Giấy phép định cư của Đức cho phép bạn:
- Sống ở Đức vô thời hạn mà không cần xin gia hạn.
- Thay đổi ngành nghề.
- Được hưởng các phúc lợi và an sinh xã hội của nhà nước.
- Di chuyển tự do trong khu vực EU/EEA.
Ngược lại, những người lao động quốc tế khác (không có bằng cấp của Đức) phải làm việc ở Đức ít nhất 5 năm để trở thành cư dân định cư.
Tham khảo từ: studying-in-germany.org và germany-visa.org
Mẹo tự học tiếng Đức tại nhà đạt hiệu quả
10/05/2024Đại học công và đại học tư ở Đức
10/05/2024Học tiếng Đức mất bao lâu?
09/05/2024Tìm hiểu về các trình độ tiếng Đức
06/05/2024Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?
Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.
Đăng ký ngay