Chuyển tới nội dung

Học đại học hay học nghề ở Đức?

Học đại học hay học nghề ở Đức?

Học đại học hay học nghề ở Đức?

Đức không những là quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới mà còn có nền giáo dục chất lượng cao và mức học phí thấp. Hệ thống giáo dục đa dạng của Đức thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế theo học. Đặc biệt khi bây giờ đã có sự thay đổi trong tư duy của các bạn du học sinh, nhiều bạn du học sinh đã đổi hướng từ việc du học bậc đại học sang hướng du học nghề. Vậy trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu sự khác nhau của du học bậc đại học và du học nghề tại Đức nhé!

Điều kiện theo học

Du học bậc đại học

Điều kiện cho những bạn muốn du học bậc đại học mình cũng đã đề cập tại một số bài viết trước, theo yêu cầu của Đại Sứ Quán Đức, bạn cần phải đạt đủ tối thiểu 36 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, không có môn nào dưới 4 và chỉ được phép nhiều nhất 2 môn dưới 6, bên cạnh đó bạn cần phải đỗ vào một trường đại học chính quy. Sau khi đạt đủ tất cả điều kiện được đề ra, bạn cần thi thêm một số bài kiểm tra như phỏng vấn APS, TestAs, và tất nhiên bằng tiếng Đức B1 là điều kiện cần để bạn có thể đi du học bậc đại học tại Đức.

Thế nhưng, những khó khăn nêu trên mới chỉ là bước khởi đầu cho chuyến du học Đức của bạn, khi sang đến Đức, bạn cần phải hoàn thành chương trình dự bị đại học với trình độ đầu vào B2 rồi mới chính thức được học đại học. Nếu sau 2 năm bạn vẫn chưa thể hoàn thành xong chương trình dự bị đại học thì bạn sẽ không được phép tiếp tục học ở Đức mà phải quay trở về Việt Nam, đến lúc đó có lẽ bạn sẽ khó có thể tìm được cách nào khác để tới Đức tiếp tục học tập và sinh sống được nữa.

Du học nghề

Điều kiện để các bạn có thể du học nghề tại Đức là chỉ cần tốt nghiệp xong THPT, có một chứng chỉ nền tùy theo ngành nghề mà các bạn muốn học có thời gian ít nhất là 6 tháng. Ví dụ như nếu bạn muốn du học ngành điều dưỡng ở Đức, bạn cần phải có chứng chỉ đã học chuyên ngành điều dưỡng ít nhất trong vòng 6 tháng được cung cấp từ một trường cao đẳng hoặc trung cấp ở Việt Nam. Ngoài ra, tính đến thời điểm này thì bạn cần phải có bằng tiếng Đức ở trình độ B1 thì mới được phép nộp hồ sơ theo diện du học nghề lên Đại Sứ Quán xin Visa. Khi sang Đức, bạn sẽ được tham gia một khóa học để lấy tiếp bằng B2, khóa học này thường kéo dài 6 tháng và miễn phí, tiền học tiếng của bạn sẽ được trường đào tạo nghề chi trả cho bạn.

Hệ thống học đa dạng

Hệ thống đại học

Hệ thống đại học ở Đức vô cùng đa dạng với gần 400 trường đại học175 thành phố cùng gần 17.000 các ngành học khác nhau từ xã hội, kinh tế, kỹ thuật và các ngành liên quan đến nghệ thuật. Theo thống kê, hàng năm có hơn 2 triệu sinh viên theo học các bậc chương trình học cùng các ngành học khác nhau. Hệ đại học của Đức thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế vì hiện nay 80% các trường công lập ở Đức không thu học phí với cả sinh viên trong nước lẫn sinh viên quốc tế, điều này khiến du học bậc đại học ở Đức hấp dẫn du học sinh quốc tế hơn hẳn so với các nước trong cùng khu vực.

Hệ thống giáo dục hệ đại học ở Đức được cơ bản chia thành: Đại học tổng hợp, đại học khoa học và ứng dụng, đại học về nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh…để các bạn du học sinh có thể thoải mái lựa chọn theo khả năng, sở thích và nhu cầu về việc làm của các bạn sinh viên…

Hệ thống học nghề

Có thể nói hệ thống các ngành nghề ở Đức vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều ngành nghề khác nhau: điều dưỡng, cơ khí, nhà hàng khách sạn, đầu bếp, làm cầu đường…. Thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, việc xin Visa học nghề ở Đức từ Việt Nam vẫn còn hạn chế ở một số nghề như: điều dưỡng và nhà hàng khách sạn. Đặc biệt là với tốc độ già hóa của người Đức, các viện dưỡng lão và các bệnh viện đang thiếu nguồn nhân lực một cách trầm trọng. Vậy nên, ngoài nguồn nhân lực trong nước, Đức còn cần một nguồn nhân lực lớn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề chung lại được chia ra thành nhiều nhánh nhỏ khác nhau, ví dụ như ngành điều dưỡng còn được chia thành nhiều kiểu: điều dưỡng trong các viện dưỡng lão, điều dưỡng trong các bệnh viện và điều dưỡng chăm sóc người già tại nhà. Với ngành nhà hàng khách sạn, bạn có thể học chuyên về mảng đầu bếp, mảng phục vụ….Tuy rằng chưa có quá nhiều sự lựa chọn cho các bạn muốn đi từ Việt Nam nhưng đây cũng là lựa chọn của rất nhiều sinh viên Việt Nam, học nghề thay cho việc học đại học.

Cơ hội việc làm

Du học bậc đại học

Theo thống kê năm 2014 của DAAD, hơn 50% sinh viên quốc tế quyết định ở lại Đức để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Cho đến thời điểm hiện tại, theo luật thì những sinh viên quốc tế sẽ có thời gian là 18 tháng để ở lại Đức tìm việc làm đúng với chuyên ngành đã học sau khi tốt nghiệp đại học.

Trong thời gian nộp hồ sơ để xin được một công việc chính thức theo dung chuyên ngành, bạn hoàn toàn có thể xin làm một công việc bán thời gian để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vấn đề xin việc sau khi tốt nghiệp đại học ở Đức thực sự cũng là một thách thức khá lớn với các bạn sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp. Thế nhưng, các bạn cũng đừng quá lo lắng, các nhà tuyển dụng ở Đức cũng luôn dang tay chào đón nguồn lực lao động quốc tế, đặc biệt là trong các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin và khoa học.

Du học nghề: Chương trình đào tạo kép hiện nay của Đức đang là một trong những chương trình đào tạo hiệu quả nhất hiện nay. Với chương trình học nghề này, bạn được đào tạo chuyên sâu cả về lý thuyết và cả về thực hành, sau 6 tháng được đào tạo thêm về tiếng Đức, bạn sẽ được đào tạo về mặt lý thuyết chuyên ngành, song song đó, bạn còn được đi làm để thực hành những lý thuyết đã học. Bạn không cần phải trả học phí mà còn được nhận lương trong quá trình học và thực hành. Hết 3 năm học nghề, bạn có thể tiếp tục ký hợp đồng làm việc với doanh nghiệp đã hỗ trợ bạn học nghề, nếu không bạn vẫn dễ dàng xin được một chỗ làm theo đúng ngành nghề bạn đã học mà gần như không gặp phải khó khăn gì. Đặc biệt là với các ngành nghề như điều dưỡng, cầu đường… đang là những ngành nghề đang ở trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực.

Vậy thì lựa chọn nào cho các bạn du học sinh Việt Nam?

Du học bậc đại học hay du học nghề cũng đều có điểm mạnh và điểm yếu, không có con đường nào dễ đi, con đường nào cũng có những khó khăn và thử thách khác nhau, điều quan trọng là bạn phải suy nghĩ và quyết định đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp với bản thân. Mục đích học của bạn là gì ? Cơ hội việc làm của bạn sau khi tốt nghiệp thế nào? Du học nghề hay du học đại học mới thực sự phù hợp với năng lực, sở thích bản thân bạn?

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp những bạn đang còn phân vân sẽ tìm được con đường phù hợp với bản thân mình nhất để sau này sẽ không phải hối hận vì đã lựa chọn nó!

Đánh giá bài viết
7 bầu chọn / trung bình: 5
3166
Lượt xem

Bài viết khác

Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?

Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.

Đăng ký ngay
dang ky ngay