Tổng hợp 15 câu hỏi thường gặp về du học Đức

Tổng hợp 15 câu hỏi thường gặp về du học Đức
Nếu bạn quan tâm đến du học Đức nhưng không biết bắt đầu từ đâu, chúng tôi đã tổng hợp danh sách 15 câu hỏi thường gặp về học tập tại Đức mà bạn có tham khảo qua trước khi tìm hiểu sâu hơn.
1. Du học Đức có bắt buộc phải học tiếng Đức không?
Du học Đức không bắt buộc phải học bằng tiếng Đức bởi bạn có thể lựa chọn chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Hầu hết các trường đại học ở Đức đều cung cấp chương trình này. Bạn có thể tìm hiểu trước ở trường đại học mà bạn đăng ký để biết chi tiết về chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của họ bởi sẽ có sự khác biệt nhất định với chương trình bằng tiếng Đức.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích sinh viên học tiếng Đức cơ bản trước khi học đại học hay du học nghề Đức bởi đây là ngôn ngữ chính tại quốc gia này. Bạn không chỉ đến Đức để học mà còn phải giao tiếp với người Đức và sẽ phải tiếp xúc với tiếng Đức rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày nên có vốn kiến thức nhất định sẽ giúp thời gian sinh sống ở đây dễ dàng hơn.
2. Có cần phải có TOEFL hoặc IELTS để học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh không?
Có. TOEFL hoặc IELTS là điều kiện bắt buộc để nộp đơn xin học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh tại trường đại học Đức. Điều kiện cụ thể của TOEFL hoặc IELTS sẽ tùy vào trường đại học của bạn. Nhìn chung, các trường có thể yêu cầu điểm IELTS tối thiểu là 6,5 hoặc TOEFL (iBT) là 90, tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu.
Ngoài ra, nếu bạn đang nộp đơn xin học chương trình cấp bằng sau đại học và đã có bằng đại học trong một khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh, thì bạn sẽ không cần TOEFL hoặc IELTS.

Cần có chứng chỉ tiếng Anh để học chương trình bằng tiếng Anh
3. Các cơ sở giáo dục đại học ở Đức có thu học phí không?
Nếu bạn theo học tại trường đại học công lập tại Đức, bạn sẽ không phải nộp học phí. Bạn sẽ chỉ phải trả khoảng 350 euro cho phí học kỳ, tùy từng trường. Đối với các trường đại học tư, học phí có thể dao động từ 10.000 euro/năm đến 20.000 euro/năm, tùy thuộc vào trình độ và chương trình học.
Nếu bạn du học nghề Đức, như du học Đức ngành điều dưỡng hay ngành nhà hàng khách sạn, bạn cũng sẽ được miễn học phí. Ngoài ra bạn sẽ được nhận trợ cấp nghề trong thời gian học tập, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính. Mức trợ cấp sẽ tăng theo từng năm.
4. Chi phí du học Đức khoảng bao nhiêu?
So với các nước châu Âu khác, chi phí sinh hoạt ở Đức khá phải chăng. Một trong những khoản chi lớn nhất mà bạn phải đối mặt là tiền thuê nhà hàng tháng, chưa kể giá cả cho các nhu cầu cơ bản khác như thực phẩm, quần áo và giải trí cũng ở mức trung bình của EU.
Không có mức cố định hay có thể ước tính được các khoản phí bạn có thể sẽ phải chi trả khi học tại Đức bởi mỗi người sẽ có nhu cầu khác nhau và các khoản phí thường sẽ thay đổi theo từng năm. Để biết rõ hơn về chi phí du học Đức ở thời điểm bạn bắt đầu du học, bạn có thể tìm đến các trung tâm tư vấn du học Đức uy tín để được tư vấn kỹ hơn. Hoặc nếu có thể, bạn có thể hỏi người thân hoặc bạn bè đang sinh sống ở Đức để biết rõ nhất về mức phí khi sinh sống ở Đức.
5. Nộp đơn xin visa du học Đức như thế nào?
Bạn bắt buộc phải có visa du học Đức nếu muốn học tập tại quốc gia này. Bạn có thể nộp đơn xin visa tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội hoặc tại Tổng lãnh sự quán Đức tại TP. Hồ Chí Minh. Quy trình nộp visa du học Đức như sau:
- Đặt lịch hẹn trước tại website VFS Global
- Chuẩn bị tất cả các giấy tờ cần thiết để xin visa theo yêu cầu (truy cập website chính thức của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam để biết thông tin chi tiết)
- Tham dự buổi phỏng vấn vào ngày đã hẹn
- Chờ quyết định.
6. Các trường đại học ở Đức có tiêu chuẩn tuyển sinh nào?
Mỗi trường đại học sẽ có tiêu chí tuyển sinh riêng. Một trong những tiêu chí chính để nộp đơn xin nhập học ở hầu hết các trường là bằng chứng về trình độ tuyển sinh đại học được công nhận, có nghĩa là bạn cần cung cấp bằng chứng rằng bạn đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh đại học tương đương với Abitur.
Về cơ bản, Abitur là chứng chỉ được cấp sau khi vượt qua kỳ thi cuối kỳ do các trường dự bị đại học ở Đức tổ chức và chứng chỉ này cho phép sinh viên theo học đại học chính thức. Với học sinh Việt Nam có mong muốn học đại học ở Đức, bạn sẽ phải trải qua kỳ thi Feststellungsprüfung sau khi tham gia khóa học dự bị được gọi là Studienkolleg.
7. Studienkolleg là gì?
Studienkolleg là khóa học dự bị một năm dành cho học sinh có bằng tốt nghiệp phổ thông không được các trường đại học Đức công nhận. Trong khóa học này, sinh viên sẽ học các môn học của một chương trình cấp bằng cụ thể và học tiếng Đức. Thời lượng học sẽ là 5 ngày/tuần với mục tiêu đạt đủ điểm yêu cầu trong kỳ thi đánh giá cuối kỳ.
Sau khi vượt qua kỳ thi cuối kỳ, sinh viên sẽ đủ điều kiện và đủ tiêu chuẩn để nộp đơn xin cấp bằng tại một trường đại học Đức. Để tham gia Studienkolleg, trình độ tiếng Đức của bạn phải đạt trình độ B1.
8. Fachhochschulen là gì?
Fachhochschulen là các trường đại học khoa học ứng dụng, thực hiện giảng dạy các kiến thức thiên về định hướng ứng dụng và thực tiễn. Fachhochschulen sẽ phù hợp với những ai muốn có được càng nhiều kinh nghiệm thực tế càng tốt.
Ngoài ra, hầu hết các chương trình cấp bằng của trường đều thuộc lĩnh vực kỹ thuật và khoa học cứng. Giống như các trường đại học khác, trường cũng cung cấp bằng Cử nhân và Thạc sĩ, ngoại trừ bằng Tiến sĩ.
9. Studentenwerk là gì?
Studentenwerk là một tổ chức phi lợi nhuận do nhà nước điều hành, hỗ trợ các vấn đề của sinh viên tại Đức. Mỗi Studentenwerk được tổ chức ở cấp địa phương để bao gồm một hoặc nhiều trường đại học. Tổ chức này hoạt động vì lợi ích của sinh viên bằng cách tổ chức và điều hành căng tin, nhà hàng, chỗ ở và cũng cung cấp gói BAföG để tài trợ cho việc học bằng các khoản trợ cấp và cho vay.
10. Sinh viên quốc tế có được làm thêm không?
Có. Số ngày làm việc tối đa là 120 ngày làm việc toàn thời gian hoặc 240 ngày làm việc bán thời gian. Số ngày làm việc hạn chế này cũng áp dụng cho các vị trí làm việc tự nguyện, có lương hoặc không lương. Ngoài ra, sinh viên quốc tế không được làm việc tự do (freelance).
11. Có cần mở tài khoản ngân hàng Đức không?
Bạn nên mở một tài khoản ngân hàng Đức vì bạn sẽ cần đến nó khi thuê nhà hoặc nộp đơn xin bảo hiểm. Có những khoản thanh toán bạn không thể thực hiện bằng tiền mặt, do đó bạn sẽ cần phải ghi nợ tiền. Do Việt Nam không nằm trong khối EU nên bạn phải chứng minh rằng bạn có đủ nguồn tài chính để trang trải chi phí tại Đức bằng cách mở tài khoản phong tỏa.
12. Có thể ở lại Đức sau khi hoàn thành việc học không?
Luật cho phép sinh viên quốc tế ở lại Đức và tìm việc làm trong 18 tháng sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, bạn phải nộp đơn xin gia hạn giấy phép cư trú. Trong 18 tháng này, bạn không còn bị giới hạn về việc làm mà có thể làm mọi công việc hợp pháp. Nếu bạn tìm được việc làm phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của mình và được cấp hợp đồng hợp pháp thì bạn đủ điều kiện để nộp đơn xin Thẻ xanh EU.
Với sinh viên du học nghề Đức, bạn vừa học vừa làm nên sẽ nhận được chứng chỉ và gần như có việc làm ngay sau khi ra trường. Quyết định ở lại làm việc tại Đức hay trở về Việt Nam là phụ thuộc vào bạn.
13. Thành phố nào có chi phí sinh hoạt phải chăng nhất ở Đức?
Một số thành phố có chi phí sinh hoạt phải chăng nhất ở Đức bao gồm Bielefeld, Frankfurt (Oder), Halle, Krefeld và Passau. Trong khi đó, các thành phố đắt đỏ nhất ở Đức để sinh sống thường sẽ là ở khu vực trung tâm như Munich, Frankfurt, Hamburg, Düsseldorf và Bonn.
14. Có thể xin học bổng tại Đức không?
Sinh viên quốc tế du học Đức sẽ được chính phủ tạo điều kiện và các chương trình học bổng là một trong những điểm hấp dẫn nhất dành cho sinh viên. Bạn có thể tìm hiểu học bổng do chính phủ tài trợ, như học bổng DAAD hoặc KAS, học bổng phi chính phủ và học bổng của các trường đại học.

Có nhiều chương trình học bổng hấp dẫn cho sinh viên quốc tế ở Đức
15. Làm thế nào để nộp đơn xin học chương trình sau đại học ở Đức?
Nộp đơn xin học chương trình sau đại học ở Đức cũng giống như nộp đơn xin học chương trình đại học. Để được chấp nhận vào chương trình sau đại học, dù là Thạc sĩ hay Tiến sĩ, bằng đại học phải được trường đại học Đức mà bạn nộp đơn chính thức công nhận.
Có một số tiêu chí học Thạc sĩ ở Đức bạn có thể tham khảo như:
- Tốt nghiệp Đại học với ngành học phù hợp với ngành bạn dự định học tại Đức.
- Điểm tốt nghiệp Đại học, xếp loại học lực
- Hình thức Tốt nghiệp Đại học.
- Kinh nghiệm thực tế.
- Các Chứng chỉ khác (GMAT, GRE v.v…)
- Khả năng ngoại ngữ v.v…
- Đối với Sinh viên tốt nghiệp một Trường Đại học Việt Nam sẽ cần thẩm tra APS.
Do yêu cầu mỗi trường là khác nhau nên không có tiêu chí chung cho mọi trường hợp. Ngoài ra, không phải lúc nào đạt được các tiêu chí trên bạn cũng đủ điều kiện để học Thạc sĩ ở Đức bởi một số trường có thể yêu cầu học viên làm những bài kiểm tra bổ sung, cần học bổ sung những kiến thức còn khuyết hay các hình thức khác.
Nếu bạn muốn học Tiến sĩ tại Đức thì trước đó bạn cần phải có một bằng Thạc sĩ có mức độ tương đương với bằng Thạc sĩ của một trường Đại học ở Đức hoặc học Thạc sĩ ở Đức. Việc bằng của bạn có tương đương hay không là do mỗi trường quyết định, để biết chính xác bạn cần liên hệ trực tiếp với trường bạn muốn theo học.
Tham khảo từ: studying-in-germany.org
Người mới học tiếng Đức nên bắt đầu từ đâu?
20/01/2025
Nghi thức xã giao tại Đức: Nên và không nên
21/09/2024
Du học Đức bằng tiếng Anh có thực sự tốt?
15/09/2024
9 sai lầm cần tránh khi xin visa du học Đức
12/09/2024Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?
Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.
Đăng ký ngay