Vấn đề thuê nhà của sinh viên ở Đức
Vấn đề thuê nhà của sinh viên ở Đức
Việc thuê nhà ở Đức luôn luôn là vấn đề không hề nhỏ đối với các bạn du học sinh, đặc biệt là với những bạn du học sinh mới qua Đức. Thế nhưng, bạn cũng không cần quá lo lắng, bởi vì cũng không quá khó để có thể tìm được một chỗ ở tốt tại thành phố mà bạn muốn học tập. Hy vọng bài viết về một số các bước tìm nhà sau đây sẽ giúp các bạn du học sinh, đặc biệt là các bạn du học sinh mới qua Đức không còn quá lo lắng và hoang mang về vấn đề tìm nhà ở Đức.
Liên hệ với hội sinh viên tại thành phố bạn học tập:
Việc liên hệ với hội sinh viên để giúp đỡ bạn trong việc kiếm nhà thật sự cần thiết và là một cách vô cùng hiệu quả. Nhất là đối với những bạn mới qua Đức thì tiếng Đức của bạn cũng chưa tốt và chưa có kinh nghiệm gì trong việc tìm nhà, kể cả khi bạn có được thông tin từ những mẩu quảng cáo ở bảng tin trường hay ở trên Internet, có thể bạn sẽ chưa hiểu và nắm được rõ. Bạn nên liên hệ sớm với các hội, nhóm sinh viên ở thành phố mà bạn dự định sẽ học tập và sinh sống cũng như liên hệ với hội sinh viên ở các vùng lân cận để nhận được sự giúp đỡ. Kể cả trong trường hợp bạn chưa thể thuê được một chỗ ở cố định thì ít ra bạn cũng có thể xin ở nhờ và tiếp tục tìm nhà.
Đọc quảng cáo cho thuê nhà
Bạn có thể tìm được các mẩu quảng cáo cho thuê nhà trên báo, trên các trang Web chuyên đăng tin cho thuê nhà như:
https://www.meinestadt.de/deutschland/immobilien/wohnungen
https://www.immowelt.de/suche/wohnungen/mieten
Các báo địa phương của các bang và các thành phố khác nhau cũng thường xuyên đăng những tin về nhà đang muốn cho thuê. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thật cẩn thận khi liên hệ qua những mẩu rao vặt này, vì vẫn còn những bộ phận lừa đảo đăng lên và chỉ chờ bạn sập vào bẫy. Để thật chắc chắn với những thông tin này, bạn có thể nhờ những bạn sinh viên đã có kinh nghiệm cùng xem và đến nơi cho thuê. Bên cạnh đó, bạn cần phải lưu ý, đó là không nên đưa quá nhiều thông tin cá nhân của bạn lên mạng, điều này sẽ gây ra rất nhiều rắc rối cho bản thân bạn, ví dụ như: bạn sẽ nhận được rất nhiều lời quảng cáo từ nhiều dịch vụ khác nhau. Bởi vì nhiều dịch vụ trên Internet khi nắm được thông tin liên hệ của bạn để lại trên mạng sẽ không dễ dàng bỏ qua mà liên tục gửi những mẩu tin quảng cáo khác nhau.
Giai đoạn tìm nhà
Ưu tiên tìm trong ký túc xá:
Các trường đại học ở Đức thì đều có khu ký túc xá, ưu điểm của ký túc xá của trường là nhà trong ký túc sẽ rẻ hơn rất nhiều so với nhà thuê ở ngoài, bạn cũng không phải trả quá nhiều cho việc sử dụng quá lượng điện và nước được quy định. Bạn phải trả khoảng 250-350Euro một tháng cho một phòng ở bao gồm cả tiền điện và tiền nước, tùy vào các khu ký túc cũng có thể bao gồm cả tiền dùng mạng Internet. Nhưng bên cạnh đó, việc thuê nhà trong ký túc cũng có một vài nhược điểm, có nhiều khu ký túc đã quá cũ nên không được sạch sẽ lắm, hơi bừa bộn và có thể bạn sẽ phải chịu đựng sống cùng với những bạn sinh viên ý thức sống không tốt, trong trường hợp này bạn nên góp ý với những bạn sinh viên đó để dễ dàng sống cùng nhau hơn, nếu bạn đó không chịu sửa đổi thì bạn có quyền kiến nghị lên với chủ nhà để chủ nhà nói chuyện trực tiếp.
Để đăng ký chỗ ở trong ký túc xá của trường, bạn có thể truy cập trực tiếp vào trang Web riêng của từng trường và đăng ký Online trước, sau đó bạn sẽ nhận được Mail xác nhận rồi tiếp tục làm theo hướng dẫn là đã đăng ký thành công rồi. Thủ tục đăng ký không hề phức tạp chút nào, chỉ có một vấn đề là bạn có thể sẽ phải chờ khá lâu để nhận được một phòng trong ký túc.
Ký túc xá ở Đức được chia thành ký túc xá công và ký túc xá tư nhân, ký túc xá công của trường thường sẽ vô cùng khó xin do một số lượng rất lớn sinh viên của trường đăng ký, thông thường bạn sẽ phải chờ từ 1-4 kỳ để nhận được một chỗ ở. Nếu như trong ký túc xá của trường không còn chỗ nữa mà sinh viên trong thời gian dài vẫn chưa tìm được chỗ ở, tới lúc đó nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên để có thể tìm được một chỗ trong những khu ký túc xá tư nhân. Giá nhà ở những khu ký túc xá tư nhân này sẽ cao hơn so với giá tiền nhà ở khu ký túc xá công, bạn cần trả 300-420Euro tùy vào từng vùng và từng bang khác nhau của nước Đức, khoản chi phí này đã bao gồm tiền điện, nước cho một phòng.
Thuê nhà ở ngoài:
Nhà khi thuê ở ngoài cơ bản cũng giống như ở trong các khu ký túc. Nếu bạn không thể xin được một phòng trong ký túc của trường thì việc tìm những nhà riêng cho thuê ở ngoài là sự lựa chọn không tồi chút nào. Tất nhiên, bạn sẽ phải trả một khoản cao hơn để thuê một phòng tại nhà riêng này, và ở một vài thành phố, nếu muốn thuê nhà riêng, bạn buộc phải có bảng lương, hoặc là có người đứng ra bảo lãnh. Nếu không thể tự thuê được một căn hộ, bạn vẫn có thể thuê lại từ những người đứng tên thuê cả căn hộ và muốn cho thuê lại, rất nhiều sinh viên cũng thuê nhà theo cách này và không gặp bất cứ rắc rối nào.
Tốt nhất nếu bạn ưng nhà nào mà bạn tìm được trên mạng hoặc trên cái mẩu tin rao vặt, bạn nên rủ bạn bè hoặc người thân cùng đến xem nhà và cho ý kiến, điều này sẽ tốt hơn là bạn tự đi một mình. Sau đây mình xin chia sẻ một chút về kinh nghiệm của bản thân khi đi tìm thuê nhà ở ngoài:
Đọc và tìm hiểu rất nhiều trên các hội sinh viên, các trang Web chuyên đăng tin cho thuê nhà, các mẩu rao vặt được dán trên các bảng tin trường, có rất nhiều nhà cho thuê mà mình có thể lựa chọn. Thế nhưng, giá nhà thì thực sự quá đắt, mình học ở thành phố Regensburg thuộc bang Bayern, thành phố này có mức sống khá cao, bạn có thể phải trả đến 500Euro nếu muốn ở trong một căn hộ hai người. Với suy nghĩ ở tạm một thời gian trong khi chờ được vào ký túc nên cũng mình cũng đành chấp nhận tìm và thuê tạm trong thời gian 6 tháng với giá khá chát là 450Euro một tháng cho một phòng ở trong căn hộ hai người. May mắn là sau 1 kỳ phải ở nhà thuê ở ngoài với giá cao như vậy, mình đã nhận được một phòng trong ký túc xá với giá hợp lý hơn là 270Euro một người cho một phòng khép kín.
Tiếp theo, sau khi bạn đã chọn được một vài chỗ ưng ý thì bạn nên đánh dấu lại và hẹn với chủ nhà để đến xem nhà và có một cuộc nói chuyện nho nhỏ với chủ nhà. Theo kinh nghiệm của mình thì bạn nên nhắn tin cho càng nhiều nơi càng tốt, và ưu tiên những chỗ có cho số điện thoại để liên lạc, bởi vì những chỗ chỉ liên hệ qua G-mail thì bạn sẽ phải chờ khá lâu mới nhận được câu trả lời từ người cho thuê. Ngày trước, mình phải gửi tin nhắn cho hơn 20 chỗ mà chỉ nhận lại 7 câu trả lời. Chính vì thế, bạn nên liên hệ với càng nhiều nhà càng tốt, điều đó giúp cơ hội bạn thuê được nhà càng cao hơn.
Sau khi liên hệ và đặt lịch hẹn, bạn được chủ nhà mời đến và có một cuộc nói chuyện nhỏ trước khi quyết định có cho bạn thuê hay không. Thường thì chủ nhà sẽ hẹn vài người muốn xem nhà đến cùng lúc để họ có thể dễ dàng xem xét và quyết định. Cuộc nói chuyện này chỉ xoay quanh một vài vấn đề cá nhân như:Bạn học ngành gì? Sở thích là gì? Có vật nuôi nào không?...Ngoài ra, bạn còn có thể nhận được thêm một vài câu hỏi như:Bạn có muốn tham gia vào các hoạt động tập thể cùng với các bạn cùng nhà không? Hay là bạn có thường xuyên hay dẫn bạn trai hoặc bạn gái của mình về nhà hay không. Những câu hỏi này có thể giúp người cho thuê xem có nên cho bạn thuê nhà hay không. Thường thì người cho thuê sẽ không trả lời bạn ngay lúc đó mà sẽ hẹn trả lời bạn qua tin nhắn hoặc điện thoại sau một đến hai ngày. Còn nếu sau khoảng 5 ngày mà bạn vẫn không nhận được câu trả lời, bạn phải tự hiểu là mình đã bị từ chối.
Trong trường hợp bạn bị người cho thuê nhà từ chối, bạn vẫn cần phải tiếp tục công cuộc tìm nhà. Nếu bạn được người cho thuê đồng ý, việc còn lại là bạn đóng khoản tiền đặt cọc mà bạn và người cho thuê thỏa thuận từ trước và dọn đến nhanh để ổn định và tập trung vào học tập.
Vấn đề thuê nhà ở Đức luôn luôn là vấn đề khó khăn với các bạn sinh viên, và đặc biệt là với các bạn du học sinh mới qua Đức. Thế nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi vì chỉ cần chịu khó tìm các thông tin qua các trang Web tìm nhà hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn trong hội sinh viên cùng thành phố, bạn sẽ có thể nhanh chóng tìm được một nơi ở với mức giá hợp lý và những người bạn ở cùng tốt bụng và thân thiện.
Oktoberfest-Lễ hội bia lớn nhất thế giới
17/09/2018Những thành phố lớn và nổi bật của nước Đức
10/09/2018Phí Tivi, Radio Rundfunkbeitrag ở Đức
22/08/2018Hệ thống giáo dục Đại Học của Đức
15/08/2018Việc làm thêm cho sinh viên du học tại Đức
08/08/2018Phương tiện giao thông ở Đức
31/07/2018Những lễ hội truyền thống đặc sắc của Đức
17/06/2018Du lịch trong nước Đức
04/06/2018Các ngày lễ của người Đức
28/06/2016München: "Thủ đô" kinh tế của Đức
21/05/2016Köln: Thành phố thiêng liêng
21/05/2016Bạn đang tìm hiểu Học tiếng Đức & Du học Đức?
Đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn lòng tư vấn và đưa ra phương án phù hợp nhất.
Đăng ký ngay